Bảo vệ sức khỏe - San sẻ âu lo!


Thời gian KCB



Khám BHYT

  • 07:00 S → 19:00 C

  • Thứ 2 → Chủ nhật


Cấp cứu

  • Hoạt động 24/24

  • Sđt: 02353 845 900

Liên kết

Tin tức
 

Bệnh tay chân miệng

Email In PDF.

Bệnh tay, chân và miệng (tiếng AnhHand, foot and, mouth diseaseviết tắt tiếng Anh: HFMD, tiếng Việt: Bệnh TCM) còn gọi là bệnh tay chân miệng, là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột của họ Picornaviridae gây ra. Giống vi rút gây bệnh TCM phổ biến nhất là Coxsackie A và virus Enterovirus 71 (EV-71).

Đây là một bệnh dễ lây lan. Đường lây truyền thường từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Giai đoạn lây lan mạnh nhất là tuần đầu tiên bị bệnh. Bệnh Tay – Chân - Miệng không phải là bệnh lây từ động vật sang người.

Bệnh Tay – Chân - Miệng xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi tuy nhiên cũng có thể gặp ở cả người trưởng thành. Mọi người đều có thể nhiễm virus nhưng không phải tất cả những người nhiễm virus đều biểu hiện bệnh. Trẻ nhũ nhi, trẻ em và thiếu niên là những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh và biểu hiện bệnh nhất vì chúng chưa có kháng thể chống lại bệnh này. Nhiễm bệnh có thể tạo nên kháng thể đặc hiệu chống virus gây bệnh tuy nhiên bệnh vẫn có thể tái diễn do một chủng virus khác gây nên.

Nhận biết trẻ mắc bệnh

Các dấu hiệu của bệnh tay-chân -miệng rất dễ nhận biết và bao gồm:

  • Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
  • Tổn thương ở da: dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

 

         * Phân loại bệnh theo mức độ nặng  

  • Bệnh nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà:

Có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt. Người chăm trẻ phải được hướng dẫn đầy đủ về cách chăm sóc bệnh nhi, cách phát hiện sớm các triệu chứng nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời khi cần. Ưu điểm của chăm trẻ bệnh nhi tại nhà là trẻ  được hưởng điều kiện vệ sinh tốt hơn, môi trường xung quanh sạch sẽ và đặc biệt là giảm được nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh.

  •  Bệnh nặng, cần nhập viện điều trị:

Bệnh được đánh giá là nặng khi có các biểu hiện sau:

  • Sốt cao liên tục không thể hạ được.
  • Mệt mỏi không chơi, ngủ nhiều, lơ mơ, ngủ gà….
  • Giật mình
  • Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú ở tay, chân.
  • Thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè….
  • Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

           * Cách phát  hiện các dấu hiệu nặng

  • Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 0C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt như Ibuprofen đường uống cần được đưa đến bệnh viện ngay.
  • Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không. (https://www.youtube.com/watch?v=BhX9fPe-OKo)
  • Khó thở: có thể là biểu hiện của tình trạng suy tim, rối loạn huyết động… Phát hiệu triệu chứng khó thở bằng cách quan sát các dấu hiệu co rút cơ hô hấp ở mũi ức, trẻ thở khó nhọc, thở nhanh hơn bình thường, cánh mũi phập phồng….
  • Rối loạn ý thức: có thể là biểu hiện của viêm não, huyết áp thấp… Cần phát hiện rất sớm từ khi trẻ ngủ gà, chậm chạp.
  • Tiểu ít: có thể là biểu dấu hiệu sớm của tình trạng nặng. Tiểu ít là biểu hiện của tình trạng rối loạn huyết động, tụt huyết áp, suy thận. Đánh giá lượng nước tiểu hàng ngày của trẻ bằng cách thu thập nước tiểu vào các dụng cụ có thể đánh giá số lượng như chai nước nhựa.
  • Một số dấu hiệu khác: nôn nhiều, nôn khan, yếu chân tay, khó nuốt, đi loạng choạng….

           * Điều trị và chăm sóc

Bệnh chân-tay -miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Các biện pháp khắc phục:

  • Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad…
  • Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…
  • Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt…Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.

* Phòng bệnh trong cộng đồng:

  • Hiện chưa có vác xin đặc hiệu phòng bệnh.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  • Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi …
  • Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  • Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

* Tại các cơ sở y tế:

  • Khi chăm sóc trẻ, người chăm sóc có thể nhiễm virus gây bệnh. Vì vậy những người này không nên đi lại tự do giữa các phòng bệnh hoặc đi ra ngoài bệnh viện.
  • Hạn chế tối đa người nhà vào phòng bệnh. Khi vào thăm bệnh nhi đang điều trị và tiếp xúc với các vật dụng đang sử dụng trong bệnh viện, người tới thăm có thể mang mầm bệnh ra cộng đồng.
  • Không nên mang các vật dụng, đồ chơi từ bệnh viện về nhà, nếu mang về thì cần tiệt trùng sạch sẽ.

* NGUỒN THAM KHẢO:

  1. https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%87nh_tay,_ch%C3%A2n,_mi%E1%BB%87ng
  2. http://benhviennhitrunguong.org.vn/cach-nhan-biet-va-cham-soc-tre-mac-tay-chan-mieng.html

 

 

 


Trang 7 trong tổng số 25

Tin mới

Tuyển dụng

Tiếp nhận Phản ánh

Công tác xã hội

Facebook Page

https://suaralama.info/ loker situbondo

Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam

Địa chỉ: 46 Lý Thường Kiệt, Phường Hòa Thuận, Tp. Tam Kỳ, Quảng Nam.
Điện thoại: Hành chính 02353 845 717 - Cấp cứu 02353 845 900

Thông báo: Một số file pdf trong những bài đăng cũ nếu không xem được, hãy sửa đường dẫn "http://benhviennhi.quangnam.gov.vn/..." thành "http://benhvienphusannhi.quangnam.gov.vn/...". Trân trọng!