I.Định nghĩa:
Bệnh COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm do chủng vi rút corona mới (SARS-CoV-2). Chủng SARS-CoV-2 là chủng vi rút lây truyền từ động vật sang người, lây trực tiếp từ người sang người và gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp tính ở người.
Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố COVID-19 là một đại dịch toàn cầu.
II. Đường lây truyền:
Virus COVID-19 lây lan từ người sang người qua 2 phương thức chủ yếu
1. Qua các giọt bắn là nước bọt hoặc chất nhầy chảy ra từ mũi khi người nhiễm bệnh khi ho hoặc hắt hơi. Người xung quanh có thể hít phải hoặc chạm tay vào chất chứa virus rồi lây nhiễm.
2. Virus cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với bề mặt (ghế ngồi trên xe buýt, tàu lửa hay bàn ghế ở trường học, bắt tay…) nơi có chứa nước bọt, chất nhầy từ người bệnh rơi xuống
Ngoài ra vi rút cũng có khả năng lây truyền qua khí dung (aerosol) trong không khí, đặc biệt tại các cơ sở y tế. Cho tới nay, lây truyền theo đường phân-miệng chưa có bằng chứng rõ ràng.
- Thời gian ủ bệnh: từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày.
- Khởi phát: Triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.
- Diễn biến:
+ Hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần.
+ Khoảng 14% số ca bệnh diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện, khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện suy hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, ...), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong. Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.
- Ở trẻ em, các biểu hiện lâm sàng đa số nhẹ hơn người lớn, hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho, hoặc các biểu hiện viêm phổi.
IV. Dự phòng
Theo thông báo của thế giới hiện nay thì virus corona hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Để có thể phòng bệnh virus corona thì Bộ Y Tế vẫn đang tiếp tục khuyến cáo và đưa ra các các biện pháp dự phòng như sau:
1.Nếu bạn có triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở
- Tránh đi lại, du lịch
- Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng kể trên
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.
2. Một số lưu ý để phòng, chống lây nhiễm nCoV
- Tránh tiếp xúc quá gần (<2m)với người bị sốt hay bị ho.
- Rửa sạch tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng
3. Sử dụng khẩu trang đúng cách
- Khi ho hay hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau đó cuộn tròn khăn giấy và vứt khăn giấy vào thùng rác. Rửa sạch tay ngay lập tức
- Khi sử dụng khẩu trang, hãy chắc chắn rằng khẩu trang che kín miệng và mũi – và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng.
- Nếu sử dụng các loại khẩu trang dùng 1 lần, sau khi sử dụng cần loại bỏ ngay lập tức vào thùng rác và rửa sạch tay sau khi bỏ khẩu trang.
4. Chủ động tìm đến cơ sở y tế nếu bạn bị ốm
- Nếu cảm thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch, HÃY thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt hoặc ô tô và tìm đến chăm sóc y tế càng sớm càng tốt
- Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế
5. Lưu ý quan trọng để phòng, chống lây nhiễm nCoV
- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng
- Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết.
V. Điều trị :
- Các ca bệnh nghi ngờ (có thể xem như tình trạng cấp cứu); cần được khám, theo dõi và cách ly ở khu riêng tại các cơ sở y tế, lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán xác định.
- Ca bệnh xác định cần được theo dõi và điều trị cách ly hoàn toàn, trong đó: Ca bệnh nhẹ (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ) điều trị tại các phòng điều trị nội trú thông thường; Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) cần được điều trị tại phòng cấp cứu của các khoa hoặc khoa hồi sức tích cực
Do chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu.
- Nghỉ ngơi tại giường, phòng bệnh cần được đảm báo thông thoáng và khử trùng phòng bệnh bằng tia cực tím đặc biệt không đóng kín cửa để sử dụng điều hòa.
- Vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý.
- Giữ ấm.
- Uống đủ nước, đảm bảo cân bằng dịch, điện giải..
- Đảm bảo dinh dưỡng và nâng cao thể trạng.
- Hạ sốt nếu sốt cao
- Giảm ho bằng các thuốc giảm ho thông thường nếu cần thiết
- Đánh giá, điều trị, tiên lượng các tình trạng bệnh lý mãn tính kèm theo (nếu có).
* Thuốc kháng sinh
- Không sử dụng thuốc kháng sinh thường quy cho các trường hợp viêm đường hô hấp trên đơn thuần.
- Với các trường hợp viêm phổi, cân nhắc sử dụng kháng sinh thích hợp theo kinh nghiệm có tác dụng với các tác nhân vi khuẩn có thể đồng nhiễm gây viêm phổi,
* Thuốc kháng vi rút
- Chưa khuyến cáo sử dụng các thuốc điều trị kháng vi rút đặc hiệu cho SARS-CoV-2 (ngoài phạm vi các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng), do bằng chứng về hiệu quả, tính an toàn của các thuốc kháng vi rút còn hạn chế.
BS. Đặng Thị Kim Hải
Tài liệu tham khảo:
http://vncdc.gov.vn/vi/phong-chong-dich-benh-viem-phoi-cap-ncov/8605/bo-y-te-va-who-khuyen-cao-bao-ve-ban-than-phong-benh-viem-phoi-cap-do-chung-moi-cua-virus-corona-ncov-2019.
https://www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019/advice-for-public
https://luatvietnam.vn/y-te/quyet-dinh-1344-qd-byt-2020-huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-covid-19-181903-d1.html