Thiếu hụt kẽm liên quan đến suy giảm khả năng miễn dịch và xu hướng nhiễm trùng. Bổ sung kẽm đã được cho vừa là yếu tố điều trị vừa là yếu tố dự phòng tiềm năng ở trẻ em [1].
Điều trị tiêu chảy cấp hay tiêu chảy kéo dài - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo bổ sung kẽm với liều lượng như sau [2]:
● Trẻ em <6 tháng tuổi: 10 mg /ngày trong 10 đến 14 ngày
● Trẻ em >6 tháng tuổi: 20 mg /ngày trong 10 đến 14 ngày
Một phân tích tổng hợp cho thấy bổ sung kẽm làm giảm nhẹ thời gian trung bình của tiêu chảy cấp và số trẻ bị tiêu chảy kéo dài hơn một tuần. Những tác động này có ý nghĩa lớn hơn đối với trẻ > 6 tháng tuổi và đối với trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng. Ở trẻ em bị tiêu chảy kéo dài (được định nghĩa là tiêu chảy kéo dài hơn 14 ngày), việc bổ sung kẽm sẽ rút ngắn thời gian tiêu chảy khoảng 16 giờ. Tuy nhiên, bổ sung kẽm có liên quan đến việc tăng nguy cơ nôn mửa. Một thử nghiệm cho thấy liều lượng kẽm thấp hơn (10 mg hoặc 5 mg mỗi ngày cho trẻ> 6 tháng) làm giảm nguy cơ nôn mửa so với liều tiêu chuẩn 20 mg và có hiệu quả tương đương trong điều trị tiêu chảy [3].
Phòng ngừa tiêu chảy - Nhiều nghiên cứu ở các nước hạn chế về tài nguyên đã chỉ ra rằng việc bổ sung kẽm đường uống thường xuyên làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và tỷ lệ tử vong do tiêu chảy ở những quần thể có nguy cơ thiếu kẽm cao [1]. Một nghiên cứu giả dược có kiểm soát cho thấy bổ sung kẽm trong hai tuần ở trẻ từ 6 đến 11 tháng ở Ấn Độ làm giảm 39% tần suất các đợt tiêu chảy và 36% thời gian của các đợt tiêu chảy [4].
Bổ sung kẽm cho phụ nữ mang thai làm giảm tần suất tiêu chảy trong thời kỳ sơ sinh ở trẻ sinh ra. Trong một thử nghiệm giả dược được kiểm soát ở Peru, trẻ có mẹ được bổ sung kẽm trước khi sinh có nguy cơ bị tiêu chảy kéo dài thấp hơn 34% so với nhóm chứng. Trong một thử nghiệm tương tự ở Bangladesh, bổ sung kẽm trước khi sinh làm giảm 16% nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp và lỵ ở trẻ sơ sinh xuống 64% [5].
Phòng ngừa viêm phổi - Một phân tích tổng hợp cho thấy bổ sung kẽm cho trẻ em từ hai tháng đến năm tuổi làm giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi được xác nhận lâm sàng khoảng 20% [6].
Độc tính - Ít xảy ra độc tính khi bổ sung kẽm. Nuốt đến 10 lần lượng kẽm khuyến nghị hàng ngày không gây ra triệu chứng. Bổ sung kẽm liều cao kéo dài có thể liên quan đến thiếu đồng vì kẽm ức chế sự hấp thu đồng ở ruột. Việc uống cấp tính 1 đến 2g kẽm sulfat gây buồn nôn và nôn liên quan đến kích ứng và ăn mòn đường tiêu hóa. Liều lượng lớn các hợp chất kẽm cũng có thể gây suy thận cấp do hoại tử ống thận hoặc viêm thận kẽ [7].
Tóm lại, bổ sung kẽm như một liệu pháp đi kèm trong điều trị tiêu chảy đã và đang được chứng tỏ có hiệu quả với tiềm năng giảm được tử vong và bệnh tật. Thiếu hụt kẽm nên được chú trọng trong những chương trình sức khỏe và dinh dưỡng để đảm bảo rằng tất cả các trẻ em đều được đáp ứng nhu cầu dưỡng chất thiết yếu của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Black R.E. (1998), “Therapeutic and preventive effects of zinc on serious childhood infectious diseases in developing countries”, American Journal of Clinical Nutrition, 68(2), pp. 476.
[2] World Health Organization (2005), The treatment of diarrhoea: A manual for physicians and other senior health workers, Available at: https://www.who.int/maternal_child_adolescent/documents/9241593180/en/ (Accessed on March 24, 2021).
[3] Dhingra U., Kisenge R. (2020), “Lower-Dose Zinc for Childhood Diarrhea - A Randomized, Multicenter Trial”, New England Journal of Medicine, 383(13), pp. 1231.
[4] Malik A., Taneja D.K. (2013), “Short-course prophylactic zinc supplementation for diarrhea morbidity in infants of 6 to 11 month”, Pediatrics, 132(1), pp. 46-52.
[5] Osendarp S.J. (2001), “Zinc supplementation during pregnancy and effects on growth and morbidity in low birthweight infants: a randomised placebo controlled trial”, Lancet, 357(9262), pp. 1080.
[6] Yakoob M.Y., Theodoratou E. (2011), “Preventive zinc supplementation in developing countries: impact on mortality and morbidity due to diarrhea, pneumonia and malaria”, BMC Public Health, 11 (3), pp.23.
[7] Agnew U.M., Slesinger T.L, “Zinc Toxicity”, Available at: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554548/ (Accessed on March 24, 2021).
Tổ T2G Nhi Truyền Nhiễm – Tổng hợp
Bs. Nguyễn Thị Triều
Bs. Nguyễn Thị Diệu Đào